top of page
Ảnh của tác giảAdmin Con Sâu

Giáo lý viên cần học Thần học vì chính ơn cứu độ của mình

Mạnh T. Nam


Ảnh minh họa - Nguồn: pckhfc.org

Giáo lý viên là người dạy giáo lý, mà theo sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (GLHTCG), đó là người “giáo dục đức tin cho trẻ em, thanh niên và người lớn, đặc biệt qua việc giảng dạy giáo lý Kitô giáo.”[1] Ngày 10 tháng 5 năm 2021 vừa qua, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã thiết lập thừa tác vụ Giáo lý viên giáo dân. Theo đó, giáo lý viên phải là “những người nam và nữ có một đức tin sâu xa và trưởng thành nhân bản, tham dự tích cực vào đời sống cộng đoàn Kitô hữu, có khả năng tiếp đón, quảng đại và đời sống hiệp thông huynh đệ.”[2] Ngoài ra, để có thể giảng dạy giáo lý cho người khác, giáo lý viên được đòi hỏi phải được đào tạo cách toàn diện, nhất là về thần học.

Tuy nhiên, nếu chỉ xem việc học thần học như một yêu cầu để có được một chứng chỉ “hành nghề” thì việc học ấy quả thực không thu được một chút hoa trái nào cho đời sống đức tin của chính giáo lý viên. Và nếu như vậy thì làm sao học viên giáo lý có thể thu được gì từ một giáo lý viên có một đức tin kém sâu xa và kém trưởng thành?

Thiết nghĩ, giáo lý viên cần học thần học, trước là vì chính ơn cứu độ của bản thân, sau mới vì ơn cứu độ của tha nhân, cụ thể là các học viên giáo lý.

Nguyên ngữ từ Hy Lạp θεολογία (theologia), kết hợp bởi Θεός (theos), nghĩa là Chúa, và λόγος (logos), nghĩa là khoa học. Theo nghĩa hẹp, Thần học là khoa học nghiên cứu Thiên Chúa. Nhưng vì Thiên Chúa là Đấng dựng nên vạn vật và hoạt động trong thế giới này, nên Thần học sẽ đề cập đến nhiều vấn đề hơn. Do đó, Thần học bên cạnh việc nghiên cứu Thiên Chúa, còn nghiên cứu công trình tạo dựng cùng những hoạt động của Người trong thế giới thụ tạo này.[3]

Nhưng đây không phải là lĩnh vực thuần túy mang tính chủ quan của lý trí con người, mà Thần học còn phải đặt nền trên đức tin nữa: Đức tin tìm kiếm sự hiểu biết.[4]

Thần học bao gồm mười lĩnh vực chính, liên kết với nhau và luôn quy hướng về chính Thiên Chúa. Đó là:

1. Thiên Chúa: về sự hiện hữu và bản tính của Thiên Chúa

2. Đức Kitô: về con người, cuộc đời, hoạt động và sứ vụ của Đức Giêsu

3. Thánh Thần: về ngôi vị và hoạt động của Thánh Thần

4. Kinh Thánh: về sự mạc khải của Thiên Chúa qua Kinh Thánh và thế giới thụ tạo

5. Nhân loại: về bản tính con người

6. Lịch sử cứu độ: về hoạt động của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại để cứu chuộc nhân loại

7. Tội lỗi: về bản tính của tội và tác động của nó lên con người và thế giới

8. Giáo hội: về việc thành lập, cơ chế, lãnh đạo và bản chất Giáo hội

9. Các thiên thần: về các thiên thần và ma quỷ

10. Tứ chung: về cái chết, thiên đàng, hỏa ngục và phán xét.




Giáo lý viên cần học Thần học vì chính ơn cứu độ của mình

Trước hết, giáo lý viên cần nhận ra, mọi sự đều mang tính thần học.

Điều đó có nghĩa: mọi sự đều liên hệ đến việc con người trả lời thế nào về chính Thiên Chúa và về thế giới này: Thiên Chúa có tồn tại không? Nếu Chúa tồn tại, thì Người là ai và trông thế nào? Con người chúng ta đáp trả Thiên Chúa bằng cách nào? Thiên Chúa muốn ta đối xử với công trình tạo dựng và người khác như thế nào?

Bạn sẽ phản ứng thế nào khi thấy bạn bè mình đang châm chọc một người nào đó? Kinh Thánh dạy rằng, mọi người nên được đối xử trong sự tôn trọng vì họ được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa (x. St 1,26-28; 9,6 ; Gc 3,8-9). Trong trường hợp này, Thần học, đặt nền trên Kinh Thánh, sẽ cho chúng ta biết cách đối xử với người khác. Chính ngay lúc này, ngay lúc bạn biết cần làm gì và lựa chọn làm điều đó, bạn đang trả lời cho những vấn nạn trên rồi.


Bức "The Creation of Adam" do Michelangelo vẽ năm 1511

Kế tiếp, giáo lý viên cần học Thần học để biết điều mình tin và tại sao mình tin điều đó.

Giả sử bạn đang sống ở thời Galileo Galilei (1564-1642), và bạn tin mặt trời quay quanh trái đất. Chỉ vì bạn tin mặt trời quay quanh trái đất, không có nghĩa là thực tế đúng như vậy. Galileo Galilei chưa từng một lần chống đối Giáo hội, nhưng việc ông làm là một lời cảnh tỉnh: phải biết điều mình tin và tại sao lại tin điều đó.

Thánh Phaolô đã từng xác quyết: “Tôi biết tôi tin vào ai” (2Tm 1,12). Rõ ràng là chính thánh nhân cũng đã phải học biết để hiểu đức tin mình lãnh nhận. Người Kitô hữu nói chung, các giáo lý viên nói riêng, được mời gọi học biết và học hiểu Đấng họ tin để họ có thể “thẳng thắn dạy lời chân lý (2Tm 2,15). Ngoài ra, việc học biết điều ta tin và tại sao ta tin điều đó sẽ giúp ta nhận biết được Kitô giáo khác biệt ra sao với các thế giới quan và các tôn giáo khác.


Từ đó, giáo lý viên học Thần học còn để bảo vệ đức tin và chống lại các học thuyết sai lầm.

Trong truyền thống Giáo hội, việc này được gọi là minh giáo (apologetics). Thánh Phêrô đã nói, các tín hữu cần sẵn sàng “trả lời cho bất cứ ai chất vất về niềm hy vọng” của họ (1Pr 3,15). Thánh Giuđa tông đồ cũng kêu gọi các Kitô hữu “chiến đấu cho đức tin” (Gđ 3). Vì như Đức Giêsu từng cảnh báo về các thầy dạy giả hiệu. Đôi lúc họ đội lốt chiên, nhưng thường họ là sói (x. Mt 7,15). Thánh Phaolô cũng nói các tín hữu cẩn thận trước những triết thuyết “hư ảo” xuất phát từ “truyền thống phàm nhân” chứ không phải từ Đức Kitô (x. Cl 2,1-4.8).


Khi nhận biết và bảo vệ đức tin của mình, giáo lý viên sẽ thấy, chính đức tin ấy đang ảnh hưởng ngược lại lên đời sống của họ.

Thánh Phaolô, trong thư Rôma (x. Rm 12,1-2), từng thúc giục các Kitô hữu “đừng rập theo đời này”, bằng cách làm mới tâm trí chúng ta. Cầu nguyện, học hành, thờ phượng và suy tư đều là những phương cách giúp ta làm mới tâm trí mình. Khi ta gắn bó với Thần học, ta đang tham dự vào việc làm mới tâm trí mình nhờ học hành và chăm chú nghĩ đến Thiên Chúa, đến thế giới này và đến công việc của Thiên Chúa trong thế gian.


Bức họa "Sermon on the Mount" do Fra Angelico vẽ năm 1442

Cuối cùng, Thần học là một con đường giúp ta tìm ra được hạnh phúc đích thực.

Sách GLHTCG nói rằng, con người luôn tự hỏi về sự hiện hữu của Thiên Chúa, để đáp lại niềm khát vọng về sự vô biên và về hạnh phúc.[5] Như vậy, Thần học, khoa học nghiên cứu Thiên Chúa, chắc chắn là con đường giúp con người đạt đến hạnh phúc đích thực, như Thánh Vịnh gia từng nói: “Đối với tôi, niềm vui là chính Chúa” (Tv 104,34). Con đường này, theo thánh Tôma Aquinô, sẽ diễn ra với hai chặng: felicitas, hạnh phúc nhờ “hoạt động của trí hiểu” và beatitudo, hạnh phúc nhờ “được thấy Thiên Chúa”.[6] Hạnh phúc được nhìn thấy Chúa này chính là ơn cứu độ được ban cho con người, và con người đang trên hành trình để đạt được hạnh phúc ấy. Hiểu được điều này, giáo lý viên sẽ tìm được giá trị đích thực của việc theo học Thần học trong suốt quãng đường được đào tạo và đạo tạo về giáo lý.

[1] GLHTCG, số 5. [2] PHANXICÔ, Tự sắc Thừa tác vụ cổ kính [Antiquum ministerium], số 8. [3] Xt. ỦY BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN – TIỂU BAN TỪ VỰNG (Hội đồng Giám mục Việt Nam), Từ điển Công giáo – 500 mục từ, Nxb. Tôn giáo, 2011, tr. 320. [4] Fides quaerens intellectum [Đức tin tìm kiếm sự hiểu biết] là định nghĩa cổ điển của thánh Anselm (1033-1109) về Thần học. [5] x. GLHTCG, số 33. [6] x. Summa Theologiae, I-II, 4. 5.

203 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page